Một số địa phương ở Lào Cai người dân tự phát trồng cây mắc ca, có nơi cho thu hoạch, nhưng có nơi hiệu quả chưa như mong muốn.
Cây mắc ca của
nông dân xã Bản Lầu bước đầu cho thấy hiệu quả. Ảnh: Hải
Đăng.
Xã Bản Lầu của huyện
Mường Khương (Lào Cai) hiện đã có hàng chục ha mắc ca do người
dân trồng tự phát. Theo người dân, khí hậu và đất đai ở đây cho thấy khá phù
hợp với loại cây này nên mắc ca sinh trưởng phát triển khá tốt.
Ông Lừu Phừ ở thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu cho hay, diện tích mắc ca của gia đình
ông trồng cách đây 8 năm đã bước đầu cho thu hoạch. Ông Phừ cho biết chăm sóc
loại cây này không khó và không mất nhiều công sức nhưng lại cho thu nhập cao
hơn nhiều loại cây khác.
Chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng cây
mắc ca của ông Lừu Phừ quả đã sai trĩu và khá to. Khi ăn hạt
mắc ca có độ giòn, tươi và ngọt, mùi thơm đặc trưng.
Ông Lừu Phừ cho
biết, cây mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” của vùng Tây Nguyên nhưng
không ai nghĩ sẽ trồng được ở Bản Lầu. Hiện gia đình ông có khoảng 500 gốc mắc
ca, trong đó khoảng 300 cây đã hơn 8 năm tuổi, số còn lại mới trồng được hơn 1
năm.
“Vụ đầu tiên ra
quả bói chỉ lác đác, gia đình tôi chỉ thu được 2 tạ quả, thế nhưng năm sau sản
lượng quả tăng vọt, trừ chi phí gia đình tôi thu được khoảng 70 triệu đồng”,
ông Lừu Phừ nói.
Ông Nguyễn Văn
Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết, diện tích mắc ca tại xã hiện có
khoảng trên 30ha, chủ yếu do người dân tự phát trồng ở thôn Na Lốc 1, 2 và 3,
chưa có chính sách hỗ trợ.
Đến nay, có
những hộ tự trồng cách đây khoảng 8 năm đã cho thu hoạch quả được 1 - 2 vụ.
Diện tích mắc ca của những hộ đã cho thu hoạch hiện mới khoảng 0,3ha. Thấy có
hiệu quả nên 2 - 3 năm gần đây, người dân trên địa bàn xã tiếp tục trồng tự
phát lên tới 30ha.
"Về chăm
sóc, người dân sau khi thu hoạch quả có làm cỏ, tỉa cành và khi ra hoa bà con
bón phân lân. Tuy nhiên, việc chăm sóc mới chỉ dừng ở cách làm truyền thống,
chưa áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản. Ngoài ra, cũng chưa có cơ quan chuyên
môn nào hướng dẫn bà con để cây mắc ca ra hoa đậu quả tốt”, ông Nguyễn Văn Mão
nói.
Cây mắc ca tại
khu vực xã Vạn Hòa (TP Lào Cai) cho quả lác đác, chưa thấy rõ hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng.
Trong khi đó,
ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương chia sẻ, huyện chưa
có kế hoạch đưa cây mắc ca vào định hướng phát triển nông nghiệp của địa
phương. Qua khảo sát, đánh giá, cây mắc ca cũng chưa đạt được năng suất mong
muốn, đặc biệt đầu ra của loại quả này hiện chủ yếu do bà con tự bán lẻ vì số
lượng ít, chưa có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu đầu ra. Do vậy, ngành nông
nghiệp huyện không khuyến khích người dân phát triển ồ ạt cây mắc ca.
Được biết, tại
tỉnh Lào Cai có trồng khảo nghiệm mắc ca một số nơi tại các xã Nậm Pung, Y Tý
(huyện Bát Xát) và xã Tả Phời, Vạn Hòa (TP Lào Cai). Tuy nhiên, do ảnh hưởng
mưa tuyết, diện tích mắc ca tại huyện Bát Xát đã hư hại hoàn toàn. Còn diện
tích mắc ca tại TP Lào Cai cây sinh trưởng bình thường, có trổ hoa nhưng tỷ lệ
đậu quả thấp.
Tại trang trại của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan thuộc xã
Vạn Hòa (TP Lào Cai) cách đây 5 năm, Công ty trồng khoảng 11 nghìn cây giống
mắc ca trên diện tích khoảng 20ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn
khoảng 10ha loại cây này.
Cây mắc ca tại
đây tỷ lệ đậu quả rất thấp, mặc dù cây sinh trưởng phát triển bình thường. Theo
người quản lý, cuối năm nay, Công ty sẽ bón thúc để kích quả cho cây để đánh
giá hiệu quả của loại cây này đến đâu. Mặc dù cây được trồng rất bài bản tuy nhiên
hiệu quả mang lại tới nay chưa đạt được như kỳ vọng.
Được biết, từ
năm 2016, Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và
Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Và Lào Cai không
nằm trong quy hoạch phát triển loại cây trồng này trong khu vực các tỉnh Tây
Bắc.
Tại Lào Cai đến
nay cũng chưa có đánh giá, nghiên cứu cụ thể của ngành chuyên môn về cây mắc
ca. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 120ha cây mắc ca, một
số diện tích đã cho thu hoạch quả.
Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã lên kế hoạch, liên hệ với Hiệp
hội Mắc ca Việt Nam để khảo sát, đánh giá các điều kiện phát
triển loại cây này tại một số vùng của địa phương.
Điều kiện tự nhiên của xã Bản Lầu (huyện
Mường Khương, Lào Cai) là vùng đất nâu xám, nằm lệch Tây nhiều nên giai đoạn
tháng 2 - 3 thời tiết khô nóng... Mặt khác, tại khu vực bà con trồng mắc ca có
độ cao khoảng 300m so mức nước biển. Tại khu vực này, cây mắc ca phát triển và
đã cho thu hoạch.
Trong khi đó, thời tiết tại khu vực xã
Vạn Hòa (TP Lào Cai, trước đây thuộc huyện Bảo Thắng) lệch Đông nhiều nên thời
tiết tháng 2 - 3 nồm ẩm, đặc biệt nhiệt độ giai đoạn tháng 5 - 6 rất cao, có
thể trên 40 độ C... Cây mắc ca trồng tại khu vực này chưa thấy hiệu quả.
Đường link bài báo:
Tác giả: Báo Online Nongnghiep.vn - Tác giả: Hải Đăng
BÌNH LUẬN (0)
Bình luận của bạn sẽ được Hiệp hội phê duyệt trước khi hiển thị.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu.